Giỏ hàng

Viết cho hành tinh xanh này, ngôi nhà chung của tất cả chúng ta - Thuyết minh trực quan nhất về Trái Đất

Đăng bởi Hiền ngày bình luận

Viết cho hành tinh xanh này, ngôi nhà chung của tất cả chúng ta

 

Hay là đôi lời giới thiệu về cuốn sách Thuyết minh trực quan nhất về Trái Đất

Trái Đất là nơi mà sự sống đã bắt đầu. Nó không phải là nơi đầu tiên, cũng chẳng phải là nơi duy nhất nhưng hành tinh này đang là tất cả những gì mà chúng ta có. Trái Đất hiện đang nuôi dưỡng và là nơi cư ngụ của toàn bộ nhân loại, cũng như các loài sinh vật đa dạng mà chúng ta từng biết đến. Vậy đã bao giờ các bạn có điều thắc mắc hoặc muốn tìm hiểu về ngôi nhà này của chúng ta chưa? Tất cả những kiến thức căn bản và tổng quát nhất sẽ được ETS mang tới bạn với cuốn sách Thuyết minh trực quan nhất về Trái Đất - cuốn bách khoa thư bán chạy nhất DK này là hành trình khám phá đầy cảm hứng về Trái Đất từ bắc chí nam, băng qua núi cao và đại dương sâu thẳm.

Thuyết minh trực quan nhất về Trái Đất mới phát hành đã nhận được sự ủng hộ nồng nhiệt

Sự hình thành Trái Đất và sự sống thuở sơ khai

Khoảng 4.560 triệu năm trước, một cụm khí và bụi (được gọi là tinh vân) trong thiên hà của chúng ta bắt đầu tụ thành Hệ Mặt Trời. Bên trong tinh vân này, vật chất tập hợp lại thành khu vực trung tâm (tiền Mặt Trời) dày đặc và các khu vực khuếch tán hơn ở bên ngoài. Cuối cùng, tinh vân co lại thành một vật thể xoay tròn hình đĩa gọi là đĩa tiền hành tinh. Trong đĩa này, bụi và băng va chạm ngẫu nhiên để hình thành những hạt lớn hơn. Tại tâm đĩa, khi vật chất co lại bởi lực hấp dẫn, nhiệt độ tăng cao tới mức hydro hợp hạch thành heli và một ngôi sao hoàn chỉnh ra đời: Mặt Trời.

Hạt rắn chiếm ưu thế tại các phần khác của đĩa. Các vật liệu đá là thành phần chính của khu vực gần Mặt Trời nhất, ở vùng ngoài lạnh hơn là những hạt băng. Khi các hạt khắp đĩa lớn dần, chúng va vào nhau bởi lực hấp dẫn. Quá trình này gọi là bồi kết, khiến các thiên thể lớn hơn hợp nhất, cuối cùng hình thành những vi thể hành tinh. Chúng to cỡ tảng đá hoặc lớn hơn, cấu thành từ đá hoặc băng và đá. Ngoài nhiệt và ánh sáng, Mặt Trời còn phát ra một dòng các hạt mang năng lượng được gọi là gió mặt trời. “Gió” này thổi các khí dễ bay hơi từ vòng trong ra vùng ngoài đĩa. Hầu hết các vi thể hành tinh còn lại va chạm để hình thành bốn hành tinh đá vòng trong, trong đó có Trái Đất mà ngày nay chúng ta đang sống.

Trái Đất thuở sơ khai là thời kỳ của những thay đổi lớn lao: sự bồi kết thời kỳ đầu, sự phân hóa lõi và quyển manti, cùng sự oanh tạc từ ngoài không gian mà đỉnh điểm là sự hình thành Mặt Trăng - một yếu tố then chốt dẫn đến quá hình thành sự sống trên Trái Đất. Những đợt thiên thạch oanh tạc đó cũng tàn phá Trái Đất, khiến đá trên hành tinh này nóng chảy. Đến 3.500 triệu năm trước thì các đại dương và một bầu khí quyển nguyên thủy mới được tái tạo, và bằng chứng hóa học đầu tiên về sự quang hợp của các vi sinh vật biển được bảo tồn. Tuy nhiên, những dạng sống này phải chịu điều kiện thiếu oxy và tia cực tím cao vì khi ấy chưa có tầng ozone. Mất một thời gian thì khí quyển và đại dương mới phát triển tới điều kiện hiện nay. Nhiệt độ bề mặt giảm chậm và nồng độ oxy tăng chậm khi lượng vi khuẩn quang hợp gia tăng, tạo ra oxy và tầng ozone bảo vệ; hơi nước bốc lên cũng phân tách để giải phóng oxy và ozone vào thượng tầng khí quyển. Các quá trình bắt nguồn từ nội Trái Đất đã tạo nên đá đáy đại dương mới và triệt tiêu chúng ở những nơi khác; còn các lục địa phát triển và dịch chuyển bởi quá trình kiến tạo mảng. Cùng lúc đó, các vi sinh vật biển ngày một đa dạng dần tiến hóa. Những sự kiện lớn tiếp tục làm xáo trộn các hệ sinh thái đang tiến hóa với hoạt động núi lửa quy mô lớn, va chạm thiên thạch và biến đổi khí hậu lên đến đỉnh điểm là các đợt băng hà lớn. Tuy thường mang tính thảm họa nhưng những biến động này có lẽ đã đẩy nhanh tiến hóa và tạo ra các dạng sống đa bào sau này, và tất nhiên là trong đó có loài Homo sapiens chúng ta.

Các loại địa hình, thời tiết-khí hậu và đặc điểm dịa lý của các quốc gia

 

Trái Đất hiện nay được chia thành các châu lục và đại dương lớn, nhưng trong quá khứ, những lục địa này từng ở rất gần nhau, tạo thành một mảng lục địa lớn mà các nhà khoa học gọi là Pangea. Thuyết minh trực quan nhất về Trái Đất đề cập về hành tinh chúng ta từ thời kì rất xa đó cho tới tận ngày nay, thông qua sự hình thành của những môi trường chính trên hành tinh: từ những phần rất lớn như đất liền, đại dương và khí quyển, cho tới những đặc điểm nhỏ hơn như biển hệ thống sông hồ, rừng rậm, núi lửa, đồng cỏ, sông băng, hoang mạc, dãy núi và khoáng vật.

Không phải tất cả các Hoang mạc trên Trái Đất đều nóng

Việc hiểu được những đặc điểm địa lý trên và tác động của chúng tới từng nhóm người tại mỗi khu vực khác nhau trên Trái Đất sẽ giúp ích rất nhiều cho bạn. Địa lý là một thành tố quan trọng trong việc hình thành nên chính sách, văn hóa, chính trị, kinh tế... của một quốc gia. Nói đơn giản là nó vô cùng… quan trọng!

 

Ví như, bạn có từng thắc mắc rằng tại sao các nước ven biển hoặc ven đại dương lớn nhìn chung thường giàu có hơn các nước ở sâu trong lục địa không? Lý do chính là địa lý. Mô hình tạo ra của cải ở hầu hết các quốc gia hiện đại đều đến từ những tuyến đường thương mại biển trên các đại dương lớn. Không có gì lạ khi các cường quốc hiện đại đầu tiên như Tây Ban Nha, Bồ Đào Nha, Hà Lan, Anh… đều phát triển kỹ thuật đi biển từ sớm và có ngành hàng hải rất phát triển. Trong lịch sử châu Âu hiện đại, thành phần quan trọng nhất trong nền kinh tế tập trung chủ yếu ở phía tây bắc của bờ Biển Bắc. Rotterdam, Antwerp, Hamburg, Amsterdam - cảng biển vận tải hàng hóa nhộn nhịp nhất, nhì, ba, tư của châu Âu đều tập trung ở khu vực này. Khu vực này đã và đang là trung tâm thương mại kết nối châu Âu với châu Mỹ và châu Á, nên nó là nơi tích lũy của cải chủ yếu của châu Âu. Ngoài ra, nền đất nằm dưới mực nước biển, cùng cuộc chiến không ngừng nghỉ giữa Hà Lan và nước đã giúp họ trở thành chuyên gia trong việc điều tiết nước, chống lũ lụt và nạo vét kênh mương.

 

Bạn cũng từng tự hỏi tại sao dân số Trung Quốc lại đông tới vậy? Họ đã đông dân từ ngàn xưa chứ không phải mới đây. Muốn có đông dân thì phải có nhiều lương thực, mà muốn có lương thực nhiều thì bạn phải sống ở đồng bằng hoặc lưu vực sông đất đai màu mỡ và dễ canh tác. Nền văn minh của Trung Quốc bắt nguồn từ lưu vực sông Hoàng Hà và Trường Giang - hai con sông vĩ đại đã cho phép người xưa có thể trồng trọt tạo ra đủ lương thực nuôi sống một lượng dân khổng lồ. Địa lý quan trọng như vậy đó.

 

Sự nóng lên toàn cầu, chúng ta cần hành động vì Trái Đất và chính mình

 

Như mọi cuốn sách khác về chủ đề Trái Đất, Thuyết minh trực quan nhất về Trái Đất cũng đề cập tới các vấn đề nhức nhối như biến đổi khí hậu, phá rừng, gia tăng dân số và tình trạng hiện tại của cả hành tinh. Trong quá khứ, khí hậu Trái Đất từng có lúc ấm hơn hoặc lạnh hơn hiện nay do các sự kiện tái lặp và thảm họa tự nhiên. Hiện nhiệt độ trung bình toàn cầu đang tăng không đều khắp Trái Đất, và một số khu vực đang trở nên lạnh hơn. Một số yếu tố góp phần vào sự nóng lên hiện nay của Trái Đất. Hầu hết các nhà khí hậu học đồng ý rằng một phần là do hiệu ứng nhà kính tăng cường, mà nguyên nhân là một số loại khí sinh ra khi đốt nhiên liệu hóa thạch như than, dầu và khí tự nhiên.

 

Nhiệt độ trung bình toàn cầu hiện đang tăng. Nhiệt độ được ghi lại theo ba phương pháp. Các trạm thời tiết trên bề mặt Trái Đất ghi lại nhiệt độ ít nhất hai lần mỗi ngày (có khoảng 10.000 trạm trên đất liền và 7.000 trên biển). Bóng thám không quan trắc nhiệt độ không khí ở các độ cao khác nhau. Cuối cùng, vệ tinh quan trắc nhiệt độ khí quyển ở độ cao hơn 2 km. Dữ liệu đáng tin nhất chỉ ra rằng nhiệt độ trung bình toàn cầu tăng khoảng 0,8°C từ đầu thế kỷ 20 đến năm 2012. Từ năm 1975, tốc độ tăng của nhiệt độ đã cao hơn: khoảng 1,5°C/thế kỷ. Khi so sánh dữ liệu nhiệt độ thu được bằng các thiết bị hiện đại với dữ liệu cổ khí hậu (từ các bằng chứng trong quá khứ như vòng sinh trưởng cây), rõ ràng là nhiệt độ không chỉ tăng đột ngột mà Trái Đất hiện còn ấm hơn bất cứ thời điểm nào trong 1.500 năm qua.

Từ những năm 1970, khi con người lần đầu tiên có thể nghiên cứu các hiện tượng một cách chính xác bằng vệ tinh, các chuyên gia đã nhận thấy sự suy giảm đáng kể ở lớp băng phủ Bắc Băng Dương. Sự suy giảm này còn diễn ra nhanh hơn dự đoán của các mô hình khí hậu. Độ bao phủ của băng biển ở mức tối thiểu vào tháng 9 hằng năm và mức tối thiểu này ghi lại các mức thấp mới vào năm 2002, 2005 và 2007, sau đó thấp chưa từng thấy vào ngày 16 tháng 9 năm 2012. Băng biển giảm cung cấp bằng chứng về hiện tượng nóng lên toàn cầu. Trong một hành tinh đang nóng lên, mực nước biển còn tăng do giãn nở nhiệt vì trên 4°C, nước ấm có khối lượng riêng thấp hơn nước lạnh. Trong 100 năm qua, mực nước biển toàn cầu đã tăng trung bình khoảng 1,5 mm/năm, nhưng từ năm 1993 thì đã khoảng 3 mm/năm. Nếu sự tan băng bắt đầu phá vỡ thềm băng Tây Nam Cực thì mực nước biển có thể dâng nhanh hơn đáng kể. Dự báo về nước biển dâng trong tương lai rất khác nhau do một số điều kiện có thể đẩy nhanh, trong khi các điều kiện khác có thể giảm bớt nó. Những mô hình khí hậu dựa trên tốc độ tăng khí nhà kính hiện cho thấy mực nước biển toàn cầu năm 2100 có thể cao hơn mức của năm 2013 khoảng 20-50 cm.

Sự nóng lên của Trái Đất không chỉ thu hẹp môi trường sống của các loài sinh vật như gấu Bắc Cực, chim cánh cụt… mà còn đe dọa đến sự tồn vong của chính con người. Đặc trưng dự báo được của biến đổi khí hậu do hiện tượng nóng lên toàn cầu gồm sự xuất hiện thường xuyên hơn của thời tiết cực đoan như các đợt nắng nóng, hạn hán và mưa lớn gây lũ lụt. Dự báo này đã trở thành hiện thực trong vài thập kỷ qua. Một nghiên cứu đã so sánh tác động của các sự kiện thời tiết cực đoan 1951-1980 và 1981-2011. Các nhà nghiên cứu phát hiện rằng chỉ có khoảng 0,2% diện tích đất trên thế giới bị ảnh hưởng bởi thời tiết cực đoan trong giai đoạn trước, nhưng tới khoảng 10% bị ảnh hưởng trong giai đoạn sau. Một số ví dụ được hầu hết các nhà khoa học cho rằng có khả năng xảy ra nhiều hơn do nóng lên toàn cầu gồm đợt nắng nóng kéo dài ở châu Âu năm 2003; bão Nargis tàn phá Myanmar năm 2008; lũ lụt năm 2010 ở Pakistan và Australia; đợt hạn hán tại Bắc Mỹ 2012-2013 – một trong những thảm họa thiên nhiên gây thiệt hại nặng nhất lịch sử Mỹ. Mặc dù không có sự kiện thời tiết cụ thể nào được đoán chắc là tác động trực tiếp của biến đổi khí hậu, nhưng xu hướng các sự kiện thời tiết cực đoan thường xuyên hơn thì có thể. Xu hướng này nổi bật đến nỗi không thể nói phần lớn sự kiện thời tiết cực đoan là tình cờ, hoặc do các chu kỳ thời tiết tự nhiên như El Niño và La Nina, chúng ta cần phải hành động ngay bây giờ.

Tại sao bạn nên đọc Thuyết minh trực quan nhất về Trái Đất?

Với dung lượng đồ sộ, Thuyết minh trực quan nhất về Trái Đất đề cập tới mọi khía cạnh của hành tinh, từ núi lửa, đại dương, khí hậu, mảng kiến tạo tới đá và khoáng chất với hình minh họa sống động đến ngỡ ngàng, rất phù hợp cho mục đích tra cứu. Những hình ảnh 3D ngoạn mục biểu diễn cấu trúc của Trái Đất từ lõi đến tận rìa khí quyển với độ chính xác chưa từng có cũng là sự hấp dẫn không thể bỏ qua cho những ai có đam mê sưu tập sách.

 


Cũ hơn Mới hơn

messenger