Giỏ hàng

Review sách "6 chiếc mũ tư duy' - Phương pháp giúp bạn ra quyết định hiệu quả

Đăng bởi Hiền ngày bình luận

Giống như vị nhạc trưởng điều khiển dàn nhạc, “6 chiếc mũ tư duy” cho phép chúng ta chỉ đạo suy nghĩ của mình, nhờ vậy con người có thể phát huy hết khả năng vốn có của mình. “6 chiếc mũ tư duy” là phương pháp tư duy đơn giản, dễ áp dụng nhưng giúp đưa ra quyết định hiệu quả và vô cùng toàn diện. Vậy “6 chiếc mũ tư duy” do ai viết? và nội dung “6 chiếc mũ tư duy” như thế nào? Hãy cùng chúng tôi tìm hiểu qua bài viết dưới đây.

(Hình ảnh cuốn sách "6 chiếc mũ tư duy" - Edward de Bono)

1. Tác giả của "6 chiếc mũ tư duy" là ai?

Cuốn sách “6 chiếc mũ tư duy” được viết bởi Edward de Bono, một chuyên gia tâm lý học, bác sĩ, tác giả, nhà phát minh và  triết gia người Malta. Trước đây, ông học theo học tại Trường cao đẳng St. Edward, sau đó lấy bằng y khoa của Trường Đại học Malta và nhận học bổng Rhodes Scholar cho các nghiên cứu tại Đại học Oxford và tham gia giảng dạy ở các trường Đại học Oxford, Cambridge, London và Harvard.

Edward de Bono được mệnh danh là “Cha đẻ của những cuốn sách tư duy” khi là tác giả của những cuốn sách tư duy kinh điển: “6 chiếc mũ tư duy”, “Tư duy đa chiều”, “Dạy con trẻ cách tư duy”, “Tôi đúng anh sai”,... được dịch sang nhiều ngôn ngữ khác nhau. Bên cạnh đó, Bono cũng thành công trong việc khiến “tư duy” trở thành 1 môn học chính thức của 20 trường đại học trên thế giới. Đồng thời, ông đã dạy phương pháp tư duy của mình cho các cơ quan chính phủ, khách hàng doanh nghiệp, các tổ chức và cá nhân. Trong hơn 20 quyển sách được xuất bản rộng rãi, “6 chiếc mũ tư duy” là cuốn sách nổi tiếng và gặt hái được nhiều thành công nhất của Edward de Bono. 

2. Nội dung của phương pháp 6 chiếc mũ tư duy 

"6 chiếc mũ tư duy” là phương pháp tư duy giúp các cá nhân và nhóm xem xét vấn đề trên nhiều góc độ, khía cạnh khác nhau để từ đó đưa ra quyết định “tròn trịa” và toàn diện nhất. Cuốn sách hướng dẫn người đọc cách tư duy hiệu quả hơn, giải quyết vấn đề trong công việc và cuộc sống nhanh chóng nhờ sự tập trung của trí thông minh, kinh nghiệm và kiến thức. 

Trong cuốn sách, Edward de Bono đưa ra phương pháp “6 chiếc mũ tư duy” hướng con người đến việc duy trì sự tập trung vào một yếu tố tại một thời điểm và cho phép thay đổi suy nghĩ, thông qua hình ảnh ẩn dụ 6 chiếc nón với 6 màu sắc mang những ý nghĩa khác nhau.

("6 chiếc mũ tư duy" - phương pháp ra quyết định hiệu quả)

2.1. Chiếc mũ màu trắng - Dữ liệu, khách quan

Đối với mũ trắng trong 6 chiếc mũ tư duy, hãy tưởng tượng nó giống như tập dữ liệu được in ra từ máy vi tính. Mũ trắng tượng trưng cho dữ liệu, số liệu chính xác, thông tin khách quan, giúp chúng ta giữ vai trò trung lập. Khi chúng ta đội chiếc mũ trắng, chúng ta sẽ tập trung cao độ và trực tiếp vào thông tin, đánh giá các vấn đề một cách khách quan dựa trên những dữ kiện có sẵn. 

Chúng ta hiện có những thông tin gì trong tay?

Chúng ta cần những thông tin nào?

Làm thế nào để có được những thông tin mà ta cần?

2.2. Chiếc mũ màu đỏ - Trực giác, cảm tính

Đối với mũ đỏ trong 6 chiếc mũ tư duy, bạn hãy nghĩ đến ngọn lửa, hơi ấm và những cảm xúc của bản thân. Trong công việc và giải quyết vấn đề, chúng ta không được phép để cho cảm xúc chen vào, nhưng nó vẫn ở đó. Chiếc mũ đỏ cho chúng ta cơ hội để bộc lộ những xúc cảm, cảm giác, dự cảm và linh cảm của bản thân. Dù những dự cảm đó có thể không hoàn toàn đúng, nhưng nó giúp chúng ta định hướng được cảm xúc của chúng tới vấn đề đang cần được giải quyết.

… Tôi cảm thấy đây đúng là người thích hợp với công việc này.

… Tôi thấy dường như điều này quá mạo hiểm…

… Tôi cảm thấy ý kiến này rất khả thi…

2.3. Chiếc mũ màu đen - Tiêu cực

Đến với chiếc mũ thứ ba trong 6 chiếc mũ tư duy, chiếc mũ màu đen mang tư duy “tiêu cực nhưng hợp lý”, đây là chiếc mũ được sử dụng nhiều hơn hẳn những chiếc mũ khác. Có thể vì thế mà người ta cho rằng nó là chiếc mũ quan trọng nhất. Khi đội chiếc mũ màu đen, chúng ta đang khép mình vào thế cảnh giác và  thận trọng, chúng ta cần xem xét các tình huống có thể xảy ra để coi liệu chúng có thể khác xa hoặc ngược lại với kết quả mong muốn, cùng với những rủi ro liên quan đến các ý tưởng hay không.

Những khó khăn chúng ta sẽ gặp phải khi triển khai dự án này là gì?

Tình huống xấu nhất của vấn đề này là gì?

Những hậu quả, rủi ro tiềm ẩn mà chúng ta phải đối mặt khi thực hiện hoạt động này là gì?

2.4. Chiếc mũ vàng - Tích cực

Trong 6 chiếc mũ tư duy, chiếc mũ vàng là chiếc mũ tượng trưng cho ánh sáng của sự lạc quan, cho niềm vui phơi phới. Dưới chiếc mũ vàng, bạn sẽ nhìn thấy tất cả những mặt lợi ích có thể nhận được từ một đề xuất. Tuy nhiên trên thực tế, đây lại là chiếc mũ khó sử dụng hơn mũ đen, bởi chúng ta có xu hướng nhạy cảm, đề phòng và cảnh giác trước nguy hiểm hơn là nhận ra những điểm tích cực của một vấn đề. 

Những mặt tích cực của vấn đề này là gì?

Lợi ích khi áp dụng giải pháp này là gì?

Tính khả thi của dự án này?

2.5. Chiếc mũ xanh lá cây - Sáng tạo, nhìn nhận vấn đề

Chiếc mũ xanh trong 6 chiếc mũ tư duy đại diện cho sự phát triển, sự sáng tạo và cách tân. Chiếc mũ này cho phép chúng ta đưa ra những ý tưởng, giải pháp sáng tạo, mới mẻ và nhìn nhận vấn đề theo nhiều góc cạnh khác nhau để giải quyết vấn đề. Khi đội chiếc mũ này đòi hỏi chúng ta phải vượt qua những ranh giới đã có, những khuôn khổ có sẵn để đưa ra những giải pháp tốt hơn cho sự việc. Như vậy, có thể thấy, chiếc nón này, tác giả đã nhấn mạnh tầm quan trọng của tư duy đa chiều.    

Vấn đề này còn cách khác để giải quyết không?

Trường hợp này có thể làm gì khác không?                                      

2.6. Chiếc mũ xanh dương - Tiến trình, tổng kết kết quả

Chiếc mũ cuối cùng trong 6 chiếc nón tư duy là chiếc mũ màu xanh dương. Chiếc mũ mang màu xanh thẳm của bầu trời tượng trưng cho tầm nhìn tổng quát, đòi hỏi con người suy nghĩ về quá trình tư duy. Sau khi vận dụng hết những chiếc mũ trên, chúng ta dùng chiếc mũ xanh dương để có thể nhìn nhận bao quát vấn đề và dễ dàng điều phối, kiểm soát tiến trình tư duy của những chiếc mũ trên.

Vấn đề trọng tâm của vấn đề này là gì?

Tư duy nào thích hợp với vấn đề này nhất?

Cần thêm thời gian hay thông tin gì để giải quyết vấn đề?

 

3. Ưu, nhược điểm của phương pháp 6 chiếc mũ tư duy 

(Tổng quan "6 chiếc mũ tư duy - phương pháp quyết định hiệu quả)

3.1. Ưu điểm của phương pháp 6 chiếc mũ tư duy

Ứng dụng đúng cách phương pháp tư duy bằng 6 chiếc mũ tư duy sẽ đem lại cho con người rất nhiều những lợi ích, chẳng hạn như:

Tư duy đa chiều: Sử dụng 6 chiếc mũ tư duy tưởng tượng giúp người dùng có thể tập trung vào nhiều khía cạnh của vấn đề, nhìn nhận và nhận diện vấn đề trên nhiều góc độ khác nhau, tránh lối tư duy một chiều, chủ quan.

Rèn luyện tư duy sáng tạo: Ưu điểm nổi bật của phương pháp 6 chiếc mũ tư duy là giúp con người có thể rèn luyện và phát triển tư duy sáng tạo khi phải nhìn nhận vấn đề trên nhiều khía cạnh và đưa ra những ý tưởng, giải pháp sáng tạo hơn cho vấn đề. 

Phát triển kỹ năng giao tiếp: Thứ ba, sử dụng phương pháp 6 chiếc mũ tư duy giúp chúng ta cải thiện kỹ năng lắng nghe và giao tiếp khi làm việc nhóm. Đồng thời, phương pháp sẽ hạn chế tình trạng xảy ra xung đột khi hoạt động thảo luận nhóm.

3.2. Nhược điểm của phương pháp 6 chiếc mũ tư duy 

Bên cạnh những ưu điểm được chỉ ra phía trên, phương pháp này còn một số hạn chế như sau:

Có thể gây tốn thời gian: Vì phương pháp 6 chiếc mũ tư duy cần xem xét trên nhiều khía cạnh, góc độ khác nhau nên trong một số trường hợp, có thể gây tốn thời gian và không phù hợp cho những tình huống cần đưa ra quyết định nhanh.

Ảnh hưởng tới chính xác của kết quả: Có thể dẫn đến kết quả không chính xác nếu người sử dụng không sử dụng các chiếc mũ một cách đúng đắn và cẩn thận.

4. Ví dụ về phương pháp 6 chiếc mũ tư duy

Tình huống cụ thể: Một cửa hàng đồ uống nhận được ngày càng nhiều phàn nàn từ khách hàng vì họ phải đợi quá lâu để có được đồ uống họ yêu cầu. Vậy quán đồ uống ấy có thể giải quyết vấn đề này với phương pháp 6 chiếc mũ tư duy như thế nào?

Phương hướng giải quyết vấn đề: 

Bước 1: Đội chiếc mũ trắng, quán đồ uống sẽ đặt ra những câu hỏi những câu như:

  • Cửa hàng nhận được bao nhiêu lời phàn nàn liên quan đến vấn đề thời gian chờ đợi và tốc độ phục vụ nước uống?

  • Hiện tại mất bao lâu để pha chế 1 ly đồ uống?

  • Quá trình pha chế có thể được thực hiện nhanh hơn không?

Bước 2: Đội chiếc mũ màu xanh lá cây, nhóm sẽ tìm kiếm những ý tưởng, giải pháp mới mẻ, độc đáo để giải quyết vấn đề:

  • Có máy móc nào hỗ trợ pha chế nhanh hơn những thiết bị, hiện tại không?

  • Có thể áp dụng phương pháp gì tại nơi làm việc để giúp hoạt động pha chế trở nên tinh gọn và hiệu quả hơn không?

Bước 3: Đội chiếc mũ màu vàng, nhóm sẽ trở nên lạc quan, nghĩ về những điều tích cực về những giải pháp mà họ đã khám phá ra ở mũ xanh lá cây trước đó. Họ cần trả lời những câu hỏi sau: 

  • Kết quả tích cực có thể đến từ ý tưởng này là gì, ngoài việc giảm khiếu nại và tăng tốc độ pha chế đồ uống?

  • Những lợi ích mà chúng ta nên thực hiện ý tưởng này là gì?

Bước 4: Đội chiếc mũ đỏ, họ có thể trả lời các câu hỏi bằng trực giác như sau:

  • Trực giác nói gì về lý do tại sao điều này có thể không hiệu quả?

  • Tại sao không thích ý tưởng này?

Bước 5: Đội chiếc mũ đen, họ sẽ trả lời những câu hỏi về mặt rủi ro, hạn chế:

  • Ý tưởng này sẽ bị thất bại trong thực tế?

  • Có cách nào để giảm thiểu những rủi ro có thể xảy ra không?

Bước 6: Cuối cùng, sử dụng mũ xanh dương, họ sẽ có những kết luận sau:

  • Những lời phàn nàn và sự không hài lòng của khách hàng liên tục sẽ ảnh hưởng không tốt tới danh tiếng và hoạt động kinh doanh của quán.

  • Cần cố gắng cải thiện sự hài lòng của khách hàng và giảm thiểu khiếu nại bằng cách cải thiện tốc độ pha chế.

  • Cách hiệu quả nhất là trang bị thêm máy móc hỗ trợ công việc pha chế, nâng cao nghiệp vụ của nhân viên,...

Từ những bước phân tích trên, nhóm nhân viên của cửa hàng đồ uống có thể đã đưa ra quyết định và biết được những gì cần làm để cải thiện chất lượng dịch vụ.

Không dừng lại ở 1 cuốn sách chia sẻ những phương pháp tư duy và đưa ra quyết định hiệu quả, “6 chiếc mũ tư duy” của Edward de Bono còn là cuốn sách lần lượt giúp ta hiểu những “luật ngầm" khi sử dụng những "chiếc mũ” và hướng bạn đọc tới lối tư duy đúng đắn. Những phương pháp tư duy này giúp những người có vấn đề giải quyết nhanh hơn, hiệu quả năng suất hơn. Cuốn sách “6 chiếc mũ tư duy” của Edward de Bono thực sự một hành trang quý báu cho người đọc trong hành trình phát triển bản thân.


Cũ hơn Mới hơn

messenger